Ngày hội Cá Tra Đồng Tháp 2024 hướng tới giá trị bền vững (20-11-2024)

Ngày hội Cá Tra Đồng Tháp là sự kiện đặc biệt nhằm tôn vinh vai trò của ngành hàng cá tra trong nền kinh tế Đồng Tháp và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Năm 2024, với chủ đề “Hành trình xanh - Giá trị xanh,” ngày hội không chỉ là dịp quảng bá sản phẩm mà còn là cơ hội để đánh giá thực trạng và tìm ra giải pháp phát triển bền vững ngành hàng cá tra trong tương lai.
Ngày hội Cá Tra Đồng Tháp 2024 hướng tới giá trị bền vững
Ảnh 1: Hội nghị Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2024

Sự kiện lần này bao gồm các hoạt động văn hóa, thể thao, hội chợ thương mại và đặc biệt là Hội nghị “Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2024 và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2025.”

Sáng 17/11, tại Hội trường UBND tỉnh Đồng Tháp, Hội nghị “Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2024 và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2025” đã diễn ra với sự tham gia của thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến; ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT; ông Nguyễn Phước Thiện – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cùng các lãnh đạo ngành nông nghiệp và đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp trong ngành.

Khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Phước Thiện, cho rằng cá tra là sản phẩm chủ lực của tỉnh và của cả quốc gia, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL. Trong bối cảnh thị trường thủy sản ngày càng cạnh tranh gay gắt và sự biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến nguồn nước, ngành hàng cá tra Đồng Tháp đã nỗ lực để đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong năm 2024.

Theo số liệu từ Cục Thủy sản, sản lượng cá tra của Việt Nam năm 2024 ước đạt 1,67 triệu tấn, giảm nhẹ so với năm 2023 nhưng vẫn duy trì được kim ngạch xuất khẩu ở mức 1,56 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cả nước có 1.920 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, trong đó có 2 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống bố mẹ; 76 cơ sở sản xuất giống và 1.842 cơ sở ương dưỡng cá tra bột lên cá giống; có 61/76 cơ sở sản xuất giống và 97/1.842 cơ sở ương dưỡng giống được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất. Trong năm 2024, ngành chức năng đã kiểm tra, duy trì điều kiện sản xuất cho 38/61 cơ sở sản xuất giống và 81/97 cơ sở ương dưỡng giống.

Bên cạnh đó, cả nước có 46 nhà máy có vốn đầu tư trong nước và 40 nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài tham gia sản xuất thức ăn hỗn hợp cho cá tra, có trụ sở, địa điểm sản xuất trên địa bàn các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp... mỗi năm sản xuất khoảng 2,2 triệu tấn thức ăn hỗn hợp cho cá tra…

Mặc dù vậy, mức độ tăng trưởng không đồng đều do sự cạnh tranh với các quốc gia khác và áp lực về giá từ các sản phẩm cá thịt trắng khác.

Tại Đồng Tháp, trong năm 2024, giá trị sản xuất ngành hàng cá tra của tỉnh ước đạt 8.802 tỷ đồng, tăng 2,86% so năm 2023, chiếm trên 17% tổng giá trị sản xuất ngành nông – lâm - thuỷ sản tỉnh. Diện tích thả nuôi cá tra thương phẩm đạt 2.630ha (tăng 10ha so với năm 2023) với sản lượng ước đạt 540.000 tấn (tăng 15.000 tấn so với năm 2023). Tình hình tiêu thụ cá tra tương đối ổn định, giá bán cá tra thương phẩm (loại 0,7 - 0,8 kg/con) dao động từ 26.400- 27.600 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất giảm (do giá thức ăn giảm) nên người nuôi có lợi nhuận. Trên địa bàn tỉnh hiện có 902 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, trong đó có 52 cơ sở sản xuất giống và 850 cơ sở ương dưỡng; ước cả năm 2024, sản xuất được 17 tỷ cá tra bột và 1,3 tỷ cá tra giống…

Ảnh 2: Đại diện Cục Thủy sản tham dự đêm sự kiện Ngày hội Cá Tra

Phát triển ngành hàng cá tra hướng tới giá trị bền vững

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh rằng, để nâng cao giá trị cho ngành hàng cá tra, Việt Nam cần chú trọng đến việc phát triển nguồn con giống chất lượng cao và áp dụng công nghệ trong sản xuất. Đầu tư vào công nghệ sinh học, tăng cường chuyển đổi số trong chuỗi sản xuất, và xây dựng các chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ khép kín là những bước cần thiết để giảm thiểu phát thải và tăng giá trị gia tăng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chỉ ra rằng các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh và hóa chất trong quá trình nuôi trồng để đảm bảo đáp ứng yêu cầu chất lượng cho thị trường xuất khẩu. Thêm vào đó, các viện nghiên cứu và trường đại học cần đẩy mạnh nghiên cứu nhằm cải thiện chất lượng con giống và nâng cao năng suất sản xuất. Đây là những yếu tố cốt lõi giúp ngành cá tra Việt Nam không chỉ duy trì mà còn nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế.

Đồng thời, Đồng Tháp đã nỗ lực phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra để phục vụ các thị trường tiềm năng, đặc biệt là các nước Hồi giáo yêu cầu tiêu chuẩn Halal. Đây là hướng đi cần thiết để mở rộng thị trường, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc và ASEAN.

Dựa trên những thách thức đã được chỉ ra, hội nghị đã thảo luận và đưa ra các giải pháp cụ thể để phát triển ngành hàng cá tra trong năm 2025. Một số giải pháp quan trọng bao gồm: Phát triển vùng nuôi cá tra bền vững, cần có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp và người nuôi để đảm bảo sự ổn định cung cầu. Bên cạnh đó, xây dựng các vùng nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn, giảm thiểu tác động đến môi trường và hướng đến sản xuất xanh, giảm phát thải. Cần nâng cao chất lượng con giống, các viện nghiên cứu cần tập trung cải thiện giống cá tra để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Phát triển nguồn con giống có khả năng chống chịu tốt hơn với điều kiện môi trường và dịch bệnh. Cần ứng dụng công nghệ trong sản xuất và chế biến, tăng cường ứng dụng công nghệ số và tự động hóa vào các công đoạn sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến, nhằm giảm chi phí sản xuất và gia tăng năng suất lao động. Cần mở rộng thị trường tiềm năng, ngoài các thị trường truyền thống, ngành hàng cá tra cần nghiên cứu để phát triển các thị trường mới tiềm năng, nhất là khu vực Trung Đông, đáp ứng yêu cầu chứng nhận Halal và các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng. Cần tận dụng phụ phẩm từ cá tra, các phụ phẩm từ cá tra có thể được sử dụng để sản xuất thức ăn dinh dưỡng cho các ngành nông nghiệp khác, từ đó hình thành nền kinh tế tuần hoàn và gia tăng giá trị sản phẩm.

Lễ thả ngư đăng, phóng sinh và nhiều hoạt động văn hóa trong khuôn khổ ngày hội cá tra

Ảnh 3: Đại diện Cục Thủy sản tham gia buổi lễ thả Ngư đăng

Một trong những điểm nhấn của Ngày hội Cá Tra Đồng Tháp là lễ thả ngư đăng và phóng sinh tại thủ phủ cá tra Hồng Ngự. Đây là hoạt động mang tính biểu tượng, thể hiện lòng biết ơn của người dân địa phương đối với thiên nhiên và nguồn tài nguyên thủy sản phong phú mà họ đã được ban tặng. Lễ thả ngư đăng, với hàng trăm chiếc đèn lung linh trên sông, không chỉ tạo nên cảnh tượng đẹp mắt mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống của cá tra và các loài thủy sản khác.

Ngoài hội nghị tổng kết ngành hàng cá Tra và lễ phóng sinh, Ngày hội Cá Tra Đồng Tháp còn tổ chức nhiều hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh cá tra và ngành thủy sản của tỉnh. Các hoạt động như hội chợ xúc tiến thương mại biên giới, không gian trưng bày sản phẩm OCOP tiêu biểu, hội thi ẩm thực chế biến món ngon từ cá tra, và đêm văn nghệ truyền thống đã thu hút sự quan tâm của người dân và du khách. Đây là cơ hội để giới thiệu những sản phẩm chất lượng, đa dạng từ cá tra, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về ngành hàng cá tra và vai trò của nó đối với kinh tế địa phương.

Ngày hội Cá Tra Đồng Tháp 2024 là sự kiện ý nghĩa, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng cá tra theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh và thân thiện với môi trường. Với những thách thức phía trước, ngành hàng cá tra cần sự đoàn kết, nỗ lực không ngừng từ phía các doanh nghiệp, người dân và sự hỗ trợ của chính quyền để có thể đạt được các mục tiêu về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu trong năm 2025. Những giải pháp định hướng, cùng sự quan tâm và đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, và mở rộng thị trường sẽ là nền tảng vững chắc để cá tra Việt Nam tiếp tục chinh phục các thị trường quốc tế, khẳng định vị thế của mình trong ngành thủy sản toàn cầu.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác